Monday, May 12, 2008

Đại sứ quán Việt Nam hay chợ trời?

Đại sứ quán Việt Nam hay chợ trời?

Xuân Cang


Chợ Trời Praha (Phòng Lãnh Sự Quán)

Người Việt Nam (VN) sinh sống ở nước ngoài mang hộ chiếu VN có lẽ ai cũng biết tới sự phiền hà sách nhiễu của Lãnh sự quán (LSQ) VN, nhất là lãnh sự tại các nước Đông Âu. Do một duyên nợ không đáng có mà tôi phải có mặt 8 lần để chứng kiến cách làm việc của LSQVN tại Cộng hòa Séc (Czech).

Thực tế đập vào mắt tôi không thể nói gì khác bằng một câu tôi đã được nghe ở đâu đó “Hành là chính”.

Khả năng "hành" của nhân viên LSQ đã đạt tới thượng thừa, phong cách Bá kiến thời XHCN, “hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào vì thương anh túng quá!”.

“Dấu nhập cảnh của anh đâu”, “Chứng minh thư nhân dân của chị đâu”, “Chị phải đưa các cháu lên trinh diện”, v.v… Các câu hỏi có tính bắt bí thường được đưa ra có tính phủ đầu làm những người làm giấy tờ (NLGT) lo ngại việc này khó xong.

Như vậy là mũi tên đã trúng đích. Nhân viên lãnh sự (NVLS) hết sức nhã nhặn “lấy ngay buổi chiều nhé, nộp 3500 Kč (Kuron - đơn vĩ tiền Séc, gần 205$)”. Phần đông NLGT dễ dàng chấp nhận cái giá đó như môt sự thoát nạn. Những người không muốn chi 3500Kč sẵn sàng đợi cả tuần thường chuẩn bị tinh thần sẵn từ nhà, trước khả năng vòi tiền lão luyện của NVLS đôi khi vẫn chấp nhân giá 3500Kč coi đó như sự mất tiền khôn ngoan. Người ta lo sợ bị gây khó dễ bắt bí lại tốn thêm vài lần đi lại.

Tôi được chứng kiến một thanh niên trẻ bối rối trả lời: “chị cho em chờ 1 tuần” với giọng của người có lỗi. Tôi không thể hiểu được bạn trẻ đó và bao người khác có lỗi gì để phải bị hành như vậy, phải chăng lỗi là đã làm công dân một nước XHCN dân chủ gấp triệu lần nước Tư bản. Những câu hỏi bắt bí trên không được đặt ra với các anh chị làm dịch vụ (NLDV), những người này thường mang tới cả tập giây tờ và giải quyết công việc tương đối nhanh chóng. Sự trao đổi của họ nghe cũng rất đễ thương hơn, thân ái hơn vì cùng hội cùng thuyền, cả hai đều là người ăn tiền. Tiền thì “có Liên Xô chịu”, mọi sự đã có khổ chủ lo. NLDV là bước đệm an toàn giải tỏa được nhiều nỗi xung khắc cho NVLS, nó cũng giúp đỡ được nhiều người không có thời gian, hoặc không muốn gặp những cái mặt không chơi được của mấy kẻ... đầy tớ cho dân kia.

Những người làm dịch vụ cũng giúp cho một số người thiếu tự tin trước sự bắt bí của NVLS nhưng cũng chính cái cơ chế này đã báo hại nhiều người. Một bạn trẻ đã phải trả 25000Kč để làm lại cuốn hộ chiếu đó là những người thay mặt cho những người sẵn sàng trả tiền cho việc không phải gặp NVLS. Một anh dich vụ chuyên nghiệp thổ lộ, giấy tờ của em, em cũng nhờ người khác làm.

Phòng tiếp dân LSQ có không khí hết sức đặc biệt, mặc dù là cơ quan ngoại giao nhưng không khác gì cái chợ trời: có mặc cả, có chặt chém, có tiếp thị, có luồn lách... "Sao anh khỏe mất hộ chiếu vậy"? "Anh mất lần này lần thứ hai phải không?" "Đáng nhẽ phải thu anh 5.000!" - Chị Hằng NVLS nói với một người tới nhận hộ chiếu với giọng tiếc rẻ vì không sớm phát hiện ra khiếm khuyết kia trước khi thu tiền, 3.500 Kč vẫn chưa thỏa mãn lòng tham.

Một người cần làm hộ chiếu riêng cho con được NVLS mời chào “anh đổi hộ chiếu đi, được luôn 10 năm” mặc dù hộ chiếu của anh mới được cấp năm 2007. Hộ chiếu đã trở thành món hàng béo bở cho NVLS, mỗi quyển hộ chiếu với điều kiện chờ một tuần họ thu 1500Kč (85 đô la Mỹ) lời ít nhất 45 đô la, so với giá được ấn định của bộ ngoại giao và thông thường họ thu 150 đô la. Phương thức thanh toán ở đây theo kiểu tiền trao cháo múc không có chi phiếu rườm rà hay quệt Visa card (thẻ tín dụng) gì cả, cứ tiền tươi thóc thật, chẳng bao giờ thấy họ viết hóa đơn. Khi tôi đề nghị NVLS viết phiếu thu tiền họ đã né tránh khất lần, nhưng đến khi thấy rằng không viết cho tôi không đựợc, họ đã phải viết tới 4 lần xé đi viết lại. Đây là kết quả của việc: 1/ họ không quen viết phiếu; 2/ họ không nhớ là thu của tôi bao nhiêu tiền. 3/ là họ lo lắng vì đây là chứng từ ăn tiền trắng trợn. Vì mối lợi họ đã phí phạm tài sản, hủy bỏ biết bao nhiêu cuốn hộ chiếu hoàn toàn còn giá trị sử dụng.

Một câu chuyện khá ngộ nghĩnh giữa mấy người bạn "Tây bánh mỳ" (Người Séc) và "Tây rau muống" (người VN mang quốc tịch Séc) trong một quán bia. Những người Séc biết tiếng Việt (có thể nói họ là bạn của VN) hỏi người VN “Cậu làm vizum (visa) hết bao nhiêu?”. Câu hỏi chứa đựng sự hiểu biết lọc lõi văn hóa chợ trời, họ cùng cười xòa vì cùng 1 vizum mà mỗi người mỗi giá, anh ta nói thêm người xếp hàng trước anh ta trả tiền "Vizum" với giá khác nữa...

Về chuyên môn nghề nghiệp của nhân viên tôi có thể nhận xét một cách thành thực là tệ không thể hiểu được. Một người Sloven (Slovakia) sau khi xem "vizum" vào VN không biết vì lý do gì "vizum" của anh ta có giá trị từ ngày 13 của tháng sau mà anh đã có vé vào ngay hôm sau. Anh đề nghị sửa lại, chị cấp vizum bối rối bâng quơ hỏi “nó bảo cái gì vậy?”. Chị không biết hỏi ai vì chắc chị biết khả năng tiếng Séc của đồng nghiệp ngồi bên. Một người nhận hộ chiếu thắc mắc “chị ơi sao nơi sinh trong hộ chiếu của em lại ghi sai” , “không sao đâu sai một chút không có vấn đề gì đâu” - anh ta được trả lời một cách ráo hoảnh. Một người nói đùa chêm vào 1 câu, “sao không ghi nhầm luôn là sinh ở Pháp may ra còn được nhờ”. Tôi hiểu nỗi lo lắng chính đáng của thân chủ quyển hộ chiếu, sai sót này dễ dàng trở thành nguyên nhân để bị hành vào dịp khác và anh chính là người phải trả giá cho sự sai sót này trong lần làm giấy tờ sau. Một cuộc trao đổi giữa chị Hằng nhân viên LS và 1 người làm dịch vụ giấy tờ “cái hộ chiếu này phải nộp 5000Kč" (gần 290$). Anh dịch vụ trả lời vui vẻ “vâng chị cứ thu, cái này là lỗi của người ta họ phải trả thôi”. Không biết khổ chủ cuốn hộ chiếu phạm cái lỗi gì, có phải sai nơi sinh không? Cái này tôi không biết, và rất khó biết.

Tôi chứng kiến nhiều điều rất đặc biệt, có rất nhiều người VN mang hộ chiếu tên người khác đặc biệt hơn là có một người Trung Quốc mang hộ chiếu VN. Chỉ cần chi tiền "đậm" hơn bạn sẽ thay tên đổi họ như bạn muốn.

Có rất nhiều mực thước căn bản được NVLS kê làm ghế ngồi: Không niêm yết minh bạch giá lệ phí theo đúng quy định, không viết phiếu thu tiền, không đeo bảng hiệu ghi rõ danh tính chức vụ, trả lời tùy tiện không dựa trên văn bản của luật pháp, đồng thời việc cấp hộ chiếu 1 cách bừa bãi cho thấy những người có chức quyền sẵn sàng ngồi xổm trên luật pháp. Có hai thứ được họ đặt lên đầu đó là quyền và tiền.

Trong cuộc trao đổi với những người bạn, một người nói rất buông xuôi: “biết làm sao được chính họ cũng phải bỏ ra cả đống tiền mới được ngồi vào chỗ đó. Giờ phải thu vốn thu lãi chứ”. Câu trả lời của anh bạn tôi biểu hiện 1 não trạng con buôn theo đúng nghĩa của nhà cầm quyền vẽ ra đó là buôn gian bán lận, buôn quan bán chức. Rặt một phường con buôn.

Tôi mơ ước có một ngày phường con buôn không còn thao túng nước Việt, người Việt Nam khước từ văn hóa chợ trời trong những nơi không đáng có, chúng ta có những Thương gia theo đúng nghĩa của nó .


Praha, 28/03/2008

No comments: